Jeans - là trang phục chưa bao giờ lỗi thời dù năm tháng qua đi. Có thể nói quần jeans là món đồ không thể thiếu trong tủ đồ của mỗi người, nhưng thật sự hiếm có ai hiểu rõ về chúng.
Không chỉ ở Việt Nam, mà khắp mọi nơi trên thế giới, chiếc quần jean là item vô cùng phổ biến và thông dụng đối với mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp. Ngoài sự bền bỉ và chắc chắn của chất vải thì jeans còn mang lại cho người mặc sự thoải mái và thuận tiện trong quá trình hoạt động.
1.Lịch sử ra đời của quần jean
1.1. Sự ra đời của quần jean
Levi Strauss là người Do Thái, người Mỹ gốc Đức. Trước cảnh nghèo khó của cả gia đình, ông đã bỏ nhà theo chân những người đào vàng đến San Francisco, Mỹ. Tuy nhiên, ông không có ý định đào vàng và chỉ có ý định nhận sửa chữa và may vá quần áo cho công nhân. Cho tới một ngày, một người thợ đào vàng đã đề nghị ông may một chiếc quần thật bền, thật chắc để đi làm hằng ngày. Levi đã nảy ra một ý tưởng lấy cuộn vải bạt, dày và thô, vốn chỉ để làm buồm hoặc lều ngủ để may quần cho vị khách hàng.
Đó chính là chiếc quần bò đầu tiên trên thế giới với màu nâu và có dây đeo. Vị khách nọ quá sung sướng bởi chiếc quần lao động đơn giản, nhưng chắc chắn, phù hợp với hoạt động luôn phải di chuyển, cọ xát với hầm mỏ, vách đá, …
Cuối cùng, đã có rất nhiều người biết đến loại quần đặc biệt này và ngày càng nhiều người đến đặt hàng ở chỗ ông. Dần dần, Levi Strauss đã cải tiến chiếc quần với vải bông dày, dẹt thô và nhuộm màu xanh.
1.2. Bằng sáng chế cho những chiếc đinh tán
Tuy vải bò rất bền và chắc chắn, nhưng những sợi chỉ may mà Levi Strauss sử dụng rất hay bị rách và đứt. Những chiếc quần jean ngày nay sử dụng các tán đinh bằng đồng cố định lại các mép túi, giúp tạo sự chắc chắn hơn. Nhưng đây lại không phải là phát minh của Levi Strauss, mà của của Jacob David, cũng là một thợ may và là một khách hàng thường xuyên của Levi Strauss. Ông là người đã nảy ra ý tưởng dùng đinh mũ tán để đóng vào các mép túi quần và phía dưới của đỉa quần để giữ thắt lưng. Và từ đó, chiếc quần jean không chỉ bền hơn, chắc hơn mà còn có điểm nhấn mang tính thời trang nhờ những chiếc đinh tán.
Jacob David rất muốn đăng kí phát minh đơn giản này mà có giá trị này, nhưng ông thợ may nghèo không có đủ tiền để đóng phí đăng kí bản quyền. Cuối cùng, ông đã đề nghị hợp tác với Levi Strauss nếu ông đồng ý đăng kí bản quyền cho phát minh đóng đinh tán trên quần bò. Trước cơ hội kinh doanh đó, Levi Strauss đồng ý ngay. Và từ đó, hành trình của chiếc quần jean được ưa chuộng nhất thế giới bắt đầu.
2.Quần jean được phổ biến ra thế giới như thế nào
2.1. Lí do quần jean trở nên phổ biến
Bằng sáng chế của Levi Strauss hết hạn bảo hộ vào năm 1908. Điều này giúp cho hàng loạt các nhà sản xuất khác có thể sản xuất loại quần này mà không bị cáo buộc vi phạm bản quyền.
Sự lăng xê nhiệt tình của các anh chàng cao bồi trong các bộ phim Hollywood.
Người lính Mỹ ở khắp nơi trên thế giới thường xuyên mặc quần jean khi không làm nhiệm vụ. Từ đó, quần jean trở nên phổ biến trên khắp thế giới.
2.2. Quần jean nữ ngày càng được ưa chuộng
Từ năm 1960, hàng loạt mẫu jean mới được cập nhật để phù hợp với thị hiếu thời bấy giờ như jean thêu, jean vẩy sơn, jean thổ cẩm, … Nhờ sự thịnh hành đó, quần jean nữ bắt đầu được chú ý đến nhiều hơn. Chúng được thiết kế ôm sát, tiện dụng và linh hoạt, vừa tạo sự thoải mái trong các hoạt động hằng ngày. Lại vừa tôn được vóc dáng nổi bật, quyến rũ của người phụ nữ. Mặc dù xuất hiện sau quần jean nam nhưng quần jean nữ lại có những bước phát triển vượt bậc và đa dạng hơn nhiều.
2.3. Quần jean và ngành thời trang thập niên 80
Thập niên 80 là thời điểm đỉnh cao của ngành công nghiệp quần jean. Các nhà thiết kế thời trang bắt đầu cho ra đời những bộ sưu tập quần jean đình đám cho cả nam và nữ. Cho đến tận những năm 90, thời trang quần jean mới bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Và dần dần, chúng trở thành món đồ basic không thể thiếu trong tủ đồ của mỗi người.
3.Quá trình sản xuất quần jean
Sơ lược quá trình sản xuất quần jean bao gồm:
Bước 1: Dệt vải
Vải jean ngày nay được làm bằng sợi cotton được dệt thoi theo kiểu vải chéo rất bền. Độ chắc chắn của cách dệt này nhiều hơn 90 – 95% so với loại vải Canvas được dùng để may quần jean ở thế kỉ 19.
Bước 2: Nhuộm vải
Trước kia, hầu hết các loại vải jean đều được nhuộm xanh bằng các sử dụng thuốc nhuộm chàm tự nhiên. Cho đến ngày này, ngày công nghiệp quần jean chủ yếu sử dụng thuốc nhuộm bằng chàm tổng hợp. Mỗi năm có khoảng 20 nghìn tấn chàm được sản xuất nhằm mục đích nhuộm vải jean. Mỗi chiếc quần jean chỉ cần sử dụng một vài gram thuốc nhuộm, điều này cho thấy lượng quần jean được sản xuất ra là cực lớn.
Bước 3: May quần jean
Bao gồm các quy trình như sau:
Lên mẫu thiết kế và chuẩn bị vải jean
Lên sơ đồ cắt vải và may
Hoàn thiện
Bước 4: Wash tạo kiểu quần jean
Đây là quá trình được thực hiện sau công đoạn may quần jean, nhằm tạo nên những mẫu quần jean hot hit. Đó là những kiểu quần như jean rách, jean xé, jean xước, jean nhăn, … cực kì được ưa chuộng trên thị trường.
Bước 5: Kiểm tra chất lượng quần jean
4.Phân biệt jeans và denim
4.1. Jeans là gì? Denim là gì?
Denim là một loại vải được sử dụng phổ biến để sản xuất quần jean. Còn Jeans cũng là một loại vải được sử dụng để sản xuất quần jean, nhưng hiện nay không còn quá phổ biến.
4.2. Phân biệt jean và denim
Sự khác biệt duy nhất của 2 loại vải này nằm ở cách nhuộm. Vải denim được dệt từ sợi đã được nhuộm trước đó, thường là một sợi trắng và một sợi xanh. Còn vải jean được dệt từ các sợi trắng, sau đó tấm vải mới được đem đi nhuộm. Do đó, nếu nhìn bằng mắt thường, bạn sẽ thấy toàn bộ quần denim thường có một mặt xanh và một mặt màu sáng hơn. Còn quần jean có màu hai mặt gần giống nhau. Trên thực tế, hiện này vải denim được sử dụng rất nhiều, kết hợp với cái tên “quần jean” phổ biến trước đó, nên jean và denim trở thành hai khái niệm bị lẫn lộn rất nhiều.
5.Sự ra đời của túi đồng hồ
Chắc bạn cũng nhận thấy hầu hết các loại quần jean đều có một chiếc túi nhỏ ở bên hông quần. Đây là thiết kế truyền thống, được xem như chuẩn mực mà bất kì chiếc quần jean nào cũng phải có. Bạn đã từng thắc mắc rằng chiếc túi này dùng để làm gì chưa? Câu trả lời là nó dùng để đựng đồng hồ, đúng như cái tên của nó. Levi Strauss đã thiết kế lên chiếc túi này để giúp những người chăn bò miền Tây nước Mỹ có thể đựng đồng hồ quả quýt của họ. Họ thường đeo đồng hồ vào dây xích và gắn dây xích vào đai quần.
Cho đến ngày nay, không ai còn sử dụng đồng hồ quả quýt. Do đó, túi đồng hồ gần như không được người mặc sử dụng, nhưng chúng không bị bỏ đi bởi phần nào đó chúng tạo nên điểm nhấn cho chiếc quần jean. Ngoài ra, bạn vẫn có thể sử dụng chiếc túi này để dựng tiền xu, bật lửa, thẻ xe, chìa khoá hoặc bao cao su.
6.Các thông tin thú vị về quần jean
1. 20/5/1873 là sinh nhật của quần jeans xanh, đó cũng là ngày Jacob Davis và Levi Strauss nhận được bằng sáng chế cho thiết kế.
2. Tên gọi vải denim xuất phát từ tên của một loại vải cứng gọi là serge, được sản xuất tại Pháp.
3. Quần jeans được nhuộm màu chàm với mục đích chủ yếu là để che các vết bẩn và bụi.
4. Cửa hàng Limbo ở New York East Village là nơi đầu tiên giặt quần mới để tạo hiệu ứng sờn, cũ. Ngay sau đó, kiểu quần này trở thành xu hướng mới.
5. Levi Strauss là thương hiệu đầu tiên đính nhãn dán màu đỏ ở cạp đằng sau của quần.
6. Sợi màu cam Levi Strauss & Co. sử dụng để may quần jeans được dùng như một đặc điểm nhận dạng và để phù hợp với màu sắc của nút đinh tán bằng đồng.
7. Đinh tán được sử dụng ở phần túi của quần jean. Lúc đầu, Levis Strauss & Co. đặt đinh tán ở tất cả túi trước và sau. Tuy nhiên, sau khi mọi người phàn nàn về việc chúng làm trầy yên xe và ghế, nhà sản xuất đã bọc phần nút và sau đó là tháo chúng ra khỏi túi sau.
8. Trong khoảng thời gian quần jeans được mặc bởi những công nhân nhà máy, quần dành cho nam có khóa kéo phía trước. Trong khi đó, quần dành cho nữ có khóa kéo bên hông.
9. Trong những năm 50, quần jeans xanh từng bị cấm ở một số vì chúng được xem là một hình thức nổi loạn.
10. 20.000 tấn chàm được sản xuất hàng năm để nhuộm quần jeans.
11. 2 tỷ chiếc quần jeans được sản xuất mỗi năm trên thế giới.
12. Hơn 50% denim được sản xuất tại châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh.
13. Loại quần skinny jean không được làm từ bông nguyên chất được làm từ một loại vải denim pha (thêm chất elastane) để tăng tính co dãn cho quần.
14. Để sản xuất được một số lượng trang phục denim, 2,7 tỷ mét vải được dệt ra, đủ để cuộn vòng quanh trái đất 67 lần.
15. Mỗi kiện bông nặng 500 pound (226kg) có thể sản xuất trung bình khoảng 225 chiếc quần jeans, như vậy để sản xuất 1 chiếc quần jeans trung bình mất 1kg bông thô;
16. 1 chiếc quần jeans chỉ mất 15 phút để sản xuất.
17. Một chiếc quần jeans từng phải tốn 42 lít nước để sản xuất nhưng ngày nay chỉ cần sử dụng ít hơn đến 96% lượng nước của trước kia.
18. 60 tỷ đô la Mỹ là tổng giá trị ngành công nghiệp sản xuất quần jeans đặt ra vào năm 2023.
19. Mỗi nhà máy có thể sản xuất trung bình 2.500 chiếc quần jeans mỗi ngày.
20. Nhật Bản là nơi duy nhất còn dệt và nhuộm denim thủ công, do đó mức giá lẫn chất lượng thuộc hàng cao nhất thế giới.
21. “Eco-friendly” là xu hướng thời trang của tương lai. Có ít nhất 10 thương hiệu trên thế giới cam kết về tính thân thiện với môi trường trong sản phẩm của mình.
22. Để tạo những chiếc quần jeans rách, một hãng quần jeans ở Nhật Bản là Zoo Jeans đã cho sư tử, hổ, gấu cắn và cào quần jeans. Để làm điều này, họ quấn quần jeans vào lốp cao su rồi thả vào chuồng gấu, sư tử hay chuồng hổ.
23. Chiếc quần jeans đắt nhất thế giới thuộc về thương hiệu Secret Circus có giá 1,3 triệu đô la với kim cương trang trí quanh túi.
7. Các thương hiệu nổi tiếng về quần jean
7.1. Levi Strauss & Co
Chắc chắn đây là thương hiệu mà rất nhiều người biết đến. Bởi đây là thương hiệu đầu tiên về quần jean gắn với tên tuổi của đại triệu phú Levi Strauss. Cho đến ngày nay, Levi Strauss vẫn là thương hiệu lâu đời và nổi tiếng nhất trên thế giới.
7.2. Diesel
Diesel S.p.A là một hãng thời trang nổi tiếng của Ý, đặt tại thành phố Breganze. Hãng thời trang này chuyên bán các loại quần denim, quần áo, giày dép và phụ kiện khác với thương hiệu Diesel Black Gold. Ngoài ra, hãng cũng có một dòng sản phẩm dành cho trẻ em, mang thương hiệu Diesel Kids.
7.3. Wrangler
Khởi đầu, Wrangler là hãng chuyển sản xuất các mặt hàng đồ bảo hộ lao động cho công nhân tại Mỹ. Đến những năm 40 của thế kỉ 20, thương hiệu mua lại hãng Blue Bell General Company. Và từ đó, Wrangler bắt đầu sản xuất các loại quần jean và trở nên nổi tiếng cho tới tận ngày nay.
7.4. Calvin Klein
Calvin Klein có lẽ là thương hiệu mà bất cứ ai cũng từng nghe qua. Đây là thương hiệu chuyên về đồ da, phụ kiện, nước hoa, trang sức, đồng hồ, … Quần jean ôm sát là một trong những thiết kế nổi bật khiến thương hiệu CK trở nên hot hơn bao giờ hết. Và cho đến ngày nay, Calvin Klein vẫn chiếm thị phần đáng kể trong các dòng bán lẻ quần jean và các mặt hàng thời trang cao cấp khác.
7.5. Lee
Lee là một công ty chuyên sản xuất quần jean từ lâu đời. Những chiếc quần jean mang thương hiệu Lee đã xuất hiện từ những năm 1889, và bắt đầu nổi tiếng khắp thế giới. Hiện nay thương hiệu Lee thuộc sở hữu của VF Corporation- nhà sản xuất hàng may mặc lớn nhất trên thế giới.